Lâm Đồng: Rác thải nông nghiệp, vỏ thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm

Theo số liệu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hiện tỉnh này có gần 300.000 ha diện tích đất canh tác nông nghiệp và trên 350.000 ha đất gieo trồng. Lượng rác thải nông nghiệp đổ ra môi trường hằng năm rất lớn, nếu không được xử lý đúng cách, kịp thời thì sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của chính người dân.

Lâm[-]Đồng:[-]Rác[-]thải[-]nông[-]nghiệp,[-]vỏ[-]thuốc[-]bảo[-]vệ[-]thực[-]vật[-]gây[-]ô[-]nhiễm[-]

Lâm Đồng: Rác thải nông nghiệp, vỏ thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm  -Ảnh: IE

Rác thải nông nghiệp trong sản xuất bao gồm tàn dư thực vật, các phế phẩm từ quá trình sản xuất như khay, vỉ xốp, màng phủ ni lông, vỏ bao gói phân bón, giống cây trồng, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Khi có mưa lớn, các chai lọ, rác thải nông nghiệp tràn về các hồ, suối của Đà Lạt như hồ Than Thở, hồ Xuân Hương…
Khu du lịch hồ Than Thở – cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 6km và nằm bên cạnh làng hoa Thái Phiên (phường 12, Đà Lạt) là nơi có lượng rác đổ về rất lớn. Nguyên nhân là do các hộ ở dọc theo con suối chảy từ hướng làng hoa Thái Phiên xả rác xuống. Đến mùa mưa, hầu hết các loại túi, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đều theo dòng đổ ra hồ Than Thở. Tương tự, khu vực hồ lắng của Hồ Xuân Hương, rác thải cũng tràn lan khắp mặt hồ do các hộ dân canh tác rau, hoa trong nhà kính xung quanh hồ xả thải ra. Mặc dù đã có hệ thống song sắt rào chắn rác nhưng mỗi khi có mưa lớn, một lượng lớn rác tràn qua và trôi vào hồ Xuân Hương, ảnh hưởng không nhỏ đến du lịch của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Bảy (phường 12, thành phố Đà Lạt) cho biết: Nhiều hộ sau khi thu hoạch rau và hoa xong đã bỏ phế phẩm chất đống dọc các con suối ở phường 12. Sau đó mưa lớn nước cuốn theo các loại rác này, đổ xuống cuối nguồn là hồ Xuân Hương.
Nhiều năm qua, cơ quan đã có các giải pháp thu gom chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật như phát động thu gom, đặt các điểm thu gom xử lý nhưng kết quả chỉ đạt chưa đến 5% lượng rác thải ra môi trường. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, lượng rác thải nông nghiệp là bao gói thuốc bảo vệ thực vật hằng năm vào khoảng 350 – 390 tấn, tuy nhiên việc thu gom và tiêu hủy chỉ đạt 18,4 tấn/390 tấn, chiếm 4,7%.
Ông Đào Văn Toàn – Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho hay, đến nay toàn tỉnh đã đặt được 700 bể thu gom bao, gói thuốc bảo vệ thực vật, phấn đấu đến năm 2020 sẽ đặt được khoảng 37.800 bể thu gom. Việc xử lý này cần sự vào cuộc phối hợp của nhiều ban ngành, các địa phương và sự chung tay của người dân.

Tin Liên Quan